Sự khác biệt giữa máy chủ Rack, máy chủ Blade, máy chủ Tower là gì?
Ngày nay, các doanh nghiệp và trung tâm dữ liệu thường sử dụng ba loại máy chủ chính: máy chủ Rack, máy chủ Blade và máy chủ Tower. Mỗi loại máy chủ đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chúng mang đến cho doanh nghiệp sự lựa chọn đa dạng về kích thước, khả năng mở rộng cũng như khả năng đáp ứng các nhu cầu công việc cụ thể. Trong bài viết hôm nay, CNTTShop sẽ cùng bạn tìm hiểu về các tính năng của ba loại máy chủ này cũng như tìm ra điểm khác biệt giữa chúng.
1.Thiết kế và nguyên lý hoạt động của từng loại máy chủ
Mỗi loại máy chủ đều có các chức năng và tính năng độc đáo riêng biệt. Để lựa chọn được một máy chủ phù hợp, chúng ta cần nắm rõ về thiết kế cũng như nguyên lý hoạt động của chúng.
1.1 Máy chủ Rack
Các máy chủ Rack được thiết kế với các tiêu chuẩn chung về kích thước. Chúng thường được lắp đặt trên các giá đỡ rack hoặc các tủ rack để thuận tiện cho việc quản lý cũng như tiết kiệm diện tích và không gian. Khi sử dụng máy chủ Rack, các nhân viên IT của doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập vào các tài nguyên cũng như cài đặt cấu hình cho thiết bị bằng cách kết nối với màn hình, bàn phím và chuột.
Máy chủ Rack
Theo quy chuẩn, kích thước của một đơn vị rack sẽ là 1.75 inch chiều cao và 19 inch chiều rộng. Kích thước của máy chủ Rack được tính theo bội số chiều cao của đơn vị rack (rack unit), tương ứng là 1U, 2U, 3U, 4U,..10U hoặc cao hơn.
Máy chủ Rack là loại máy chủ có kích thước tầm trung, chúng chiếm ít diện tích hơn các máy chủ Tower nhưng lại nhiều hơn các máy chủ Blade. Mỗi máy chủ Rack thường chỉ có 1-2 khe cắm PCI mở rộng vì không gian để mở rộng bên trong khá hạn chế. Các trung tâm dữ liệu lớn thường lựa chọn sử dụng server rack để tiết kiệm diện tích và dễ dàng quản lý, tuy nhiên cũng cần chú ý đến vấn để quản lý nhiệt năng để máy chủ có thể hoạt động được ổn định lâu dài.
1.2 Máy chủ Blade
Máy chủ Blade có thiết kế khá giống với máy chủ Rack. Điểm khác biệt là chúng có kích thước nhỏ hơn và cấu hình bên trong chỉ bao gồm các bảng mạch in PCBs như:
- Bộ vi xử lý trung tâm của máy chủ
- Bộ nhớ trong
- Bộ quản lý mạng
Một số dòng máy chủ Blade được trang bị thêm các thiết bị lưu trữ kết nối ngoài (như NAS hoặc SAN) để có thể thực hiện được các nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu mạng.
Máy chủ Blade
Để tiết kiệm tối đa không gian, các máy chủ Blade thường được đặt tập trung vào các tủ máy chủ. Các máy chủ Blade có thể xử lý được những cụm dữ liệu lớn, tuy nhiên lượng nhiệt của chúng tỏa ra cũng là rất đáng kể nên cần phải có hệ thống tản nhiệt tích hợp để hệ thống có thể hoạt động hiệu quả trong thời gian dài.
1.3 Máy chủ Tower
Máy chủ Tower là một dạng máy chủ độc lập, chúng thường được trang bị một cấu hình phần cứng và phần mềm tối thiểu để phục vụ các các tác vụ cơ bản như làm máy chủ in, chạy các ứng dụng email, nhắn tin…..Bên cạnh đó, các máy chủ Tower cũng cho phép người dùng có thể tự nâng cấp cấu hình theo nhu cầu sử dụng.
Máy chủ Tower
Về cơ bản, máy chủ Tower có kích thước khá giống với máy tính để bàn, chiếm nhiều diện tích hơn máy chủ Rack và Blade. Bộ vi xử lý của các máy chủ Tower đã được cải thiện khả năng đọc bộ nhớ nhanh chóng và cũng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau (ví dụ: DHCP hoặc DNS). Chúng cũng thường được sử dụng để xử lý các yêu cầu của nhiều người dùng.
2. Sự khác biệt giữa các loại máy chủ
Chúng tôi hy vọng rằng phần mô tả riêng về từng máy chủ đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản và hữu ích để lựa chọn giải pháp máy chủ phù hợp nhất. Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những điểm khác biệt chính giữa máy chủ rack, máy chủ blade và máy chủ tower.
2.1 Máy chủ Rack so với máy chủ Blade
Về mặt hình dạng, máy chủ blade có kích thước nhỏ, điều này tạo nên hạn chế đáng kể cho các thành phần chịu trách nhiệm về sức mạnh tính toán, đó là lý do tại sao có thể đặt nhiều máy chủ Blade hơn trong cùng một không gian so với máy chủ Rack.
Máy chủ Blade thường được sử dụng để xử lý dữ liệu hiệu suất cao trong cụm hơn là máy chủ Rack. Với hỗ trợ thay thế nóng, cấu hình máy chủ Blade cho phép tháo hoặc thay thế các thiết bị trong cụm để bảo trì, giúp giảm thời gian ngừng hoạt động khi có sự cố.
Với các loại cáp và thành phần phần cứng phù hợp, máy chủ Rack là giải pháp tương đối hoàn chỉnh, tất cả các thành phần đều hoạt động độc lập với nhau và có hỗ trợ khả năng mở rộng bộ nhớ, ổ đĩa và bộ vi xử lý trung tâm.
Cả hai loại máy chủ này đều đòi hỏi chi phí cao cho hệ thống làm mát và kiểm soát độ ẩm. Hệ thống tản nhiệt của máy chủ Rack được xác định bởi số lượng máy chủ được người dùng lắp đặt bên trong tủ rack trong khi đó hệ thống tản nhiệt của máy chủ Blade được tính toán và trang bị dựa trên số lượng của các blade được cài đặt trong khung blade từ ban đầu.
2.2 Máy chủ Rack so với máy chủ Tower
Trên thực tế, sự khác biệt chính giữa máy chủ Rack và máy chủ Tower nằm ở kích thước và hiệu quả quản lý với cùng sức mạnh tính toán. Máy chủ Rack có thể dễ dàng được đặt trong tủ máy chủ theo dạng ngăn xếp để quản lý do kích thước nhỏ gọn hơn. Máy chủ tower chiếm nhiều không gian hơn đáng kể và thường được sử dụng trong các văn phòng nhỏ hoặc mạng gia đình.
Cấu hình của cả hai loại máy chủ đều bao gồm các thành phần độc lập để đảm bảo khả năng mở rộng khi cần thiết. Máy chủ dạng tháp thường có cấu hình đơn giản hơn và có thể tùy chỉnh, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh hiện tại; tuy nhiên, những nâng cấp này thường khá tốn kém. Về tản nhiệt, máy chủ Rack yêu cầu lắp đặt thiết bị làm mát chuyên dụng. Trong khi đó, máy chủ Tower chỉ cần các thành phần ngoại vi, giúp giảm đáng kể chi phí làm mát.
3. Làm thế nào để đưa ra lựa chọn máy chủ đúng đắn?
Việc lựa chọn ít nhất một trong các loại máy chủ cho hạ tầng CNTT sẽ cung cấp khả năng tăng dung lượng lưu trữ và sức mạnh tính toán của trung tâm dữ liệu.
Máy chủ Rack cung cấp sức mạnh xử lý vượt trội và khả năng mở rộng ở mức cao, cũng như hỗ trợ quản lý lắp đặt theo dạng ngăn xếp. Máy chủ Blade là giải pháp tuyệt vời để xử lý cụm dữ liệu. Chúng cũng hỗ trợ hoán đổi nóng, giúp giảm thời gian ngưng hoạt động của máy chủ khi có sự cố. Máy chủ Tower có kích thước tương đối lớn, cung cấp sức mạnh xử lý cao và có chi phí làm mát thấp.
Các doanh nghiệp vừa và lớn có không gian trung tâm dữ liệu hạn chế nhưng cần nhiều máy chủ để làm việc với các ứng dụng hiệu suất cao có thể hoàn thiện hệ thống của mình bằng cách chọn máy chủ Blade. Nên chọn máy chủ Rack nếu trung tâm dữ liệu của bạn yêu cầu sức mạnh tính toán cao. Máy chủ Tower là giải pháp tuyệt vời cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc mạng gia đình. Các máy chủ này cung cấp khả năng lưu trữ dữ liệu đáng tin cậy và triển khai tài nguyên mạng hiệu quả.
4. Kết luận
Tóm lại, chúng ta có thể dựa vào một số ưu điểm và nhược điểm, cũng như các đặc điểm riêng biệt của từng loại máy chủ để đưa ra quyết định lựa chọn máy chủ phù hợp nhất. Lựa chọn phổ biến nhất của nhiều doanh nghiệp hiện nay là máy chủ Rack, vì sức mạnh xử lý của nó tương đương với máy chủ Tower nhưng kích thước lại nhỏ gọn hơn và chi phí tản nhiệt cũng thấp hơn so với các máy chủ Blade. Máy chủ Rack với các ưu điểm vượt trội sẽ là sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường trong tương lai.
Nếu bạn đang băn khoăn giữa các lựa chọn máy chủ, hãy liên hệ với CNTTShop để nhận các tư vấn nhiệt tình từ chuyên gia hàng đầu!
Công Ty TNHH Công Nghệ Việt Thái Dương (CNTTShop)
Đ/C tại Hà Nội: NTT03, Line1, Thống Nhất Complex, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đ/C tại HCM: Số 31B, Đường 1, Phường An Phú, Quận 2 (Thủ Đức), TP HCM.
Điện Thoại: 0906 051 599
Website: www.cnttshop.vn
Bình luận bài viết!