Cấu hình giới hạn băng thông trên router Mikrotik với Simple Queue
Trong biết viết lần này, các bạn hãy cùng mình tìm hiểu và cấu hình tính năng giới hạn băng thông sử dụng Simple Queue trên router Mikrotik nhé.
Trong thời đại mà Internet đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, việc quản lý và tối ưu hóa băng thông mạng trở nên vô cùng quan trọng. Đặc biệt đối với các mạng gia đình hoặc doanh nghiệp có nhiều thiết bị kết nối, việc giới hạn băng thông cho từng thiết bị hoặc dịch vụ là điều cần thiết để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của mạng. Mikrotik, với hệ điều hành RouterOS mạnh mẽ, cung cấp cho người dùng tính năng hữu ích để quản lý và điều khiển băng thông mạng hiệu quả.
Tại sao phải giới hạn băng thông?
Khi số lượng thiết bị kết nối internet ngày càng tăng, việc phân bổ băng thông cho các thiết bị mạng trong hộ gia đình và văn phòng ngày càng trở nên quan trọng vì 1 số lý do sau:
- Giúp phân bổ băng thông một cách công bằng giữa các thiết bị, đảm bảo rằng không có thiết bị nào "độc chiếm" toàn bộ băng thông, gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác.
- Ngăn chặn tình trạng quá tải, đặc biệt khi nhiều người dùng cùng truy cập internet trong cùng một thời điểm, giúp duy trì tốc độ kết nối ổn định.
- Giúp tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Ví dụ có thể giới hạn băng thông cho các thiết bị không quan trọng trong giờ làm việc, nhờ đó có thể tăng tốc độ làm việc với băng thông tốt hơn cho những nhân viên cần sử dụng nhiều ứng dụng mạng để làm việc.
- Ngoài ra, trong trường hợp bị tấn công DDoS thì giới hạn băng thông còn như 1 bức tường lửa, thiết lập 1 mức tối đa cho lượng dữ liệu mà thiết bị có khả năng xử lý được trong 1 khoảng thời gian nhất định, giúp làm giảm hiệu quả của cuộc tấn công.
Giới hạn băng thông trên Mikrotik sẽ được thực hiện trong menu Queue.
Chức năng Queue là gì trên Mikrotik?
Queue là một tính năng dùng để giới hạn tốc độ dữ liệu hoặc ưu tiên gói tin cho các mục tiêu cụ thể. Nó hoạt động theo nguyên tắc loại bỏ tất cả các gói tin vượt quá giới hạn tốc độ hoặc là trì hoãn trong hàng đợi và chuyển tiếp chúng khi có thể.
Có 2 cách khác nhau để cấu hình Queue trên router Mikrotik đó là Simple Queue và Queue Tree. Simple Queue giúp việc cấu hình đơn giản hơn với những tùy chọn như giới hạn tốc độ Download/Upload của một máy khách, giới hạn lưu lượng ngang hàng, v.v. Trong khi Queue Tree để triển khai các tác vụ một cách nâng cao hơn. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng cấu hình giới hạn băng thông với Simple Queue nhé.
Cấu hình Simple Queue trên Mikrotik
Trên giao diện Winbox, các bạn vào menu Queue ⇒ Simple Queue, sau đó nhấn vào dấu “+” để thêm 1 hàng đợi. Tại đây có 1 số tham số cần phải thiết lập:
- Name: Đặt tên cho hành động. Ở đây mình sẽ đặt là under_5M để giới hạn băng thông dưới 5Mbps cho 1 số thiết bị.
- Target: chỉ định IP của thiết bị nào cần phải giới hạn băng thông. Ở mục này các bạn cũng có thể gán luôn interface của router để giới hạn băng thông khi đi qua các interface này. IP được chỉ định có thể là một IP, nhiều IP hoặc là cả 1 dải IP. Ví dụ mình sẽ giới hạn cho dải 192.168.10.0/24 là dải mạng mà máy tính mình đang sử dụng nhé.
- Dst: là địa chỉ đích cần giới hạn, cũng tương tự như Target, chúng ta chỉ cần thiết lập 1 trong 2. Nếu các bạn chỉ định các IP trên mục Target rồi thì mục này có thể để trống
- Max-Limit: Phía bên dưới là lượng băng thông tối đa mà thiết bị có thể truy cập. Mình sẽ để upload giới hạn là 2Mbps và download là 5Mbps.
Bên cạnh việc giới hạn mức băng thông tối đa được phép truy cập, Mikrotik còn cung cấp cho chúng ta 1 tùy chọn nữa đó là Burst.
Nói một cách đơn giản thì đây là cơ chế “thưởng” băng thông. Tức là tại một số thời điểm nhất định, máy khách còn có thể nhận được băng thông vượt quá giới hạn trước đó. Tại sao lại như vậy? Vì thực tế đôi khi chúng ta phải sử dụng đến các ứng dụng nhạy cảm về thời gian ví dụ như video call hoặc là khi có lưu lượng đột biến như là tải 1 tệp lớn thì sẽ cần phải có 1 lượng băng thông đáp ứng đủ sự ổn định và không bị chậm, lag, Burst sẽ cho phép thiết bị sử dụng băng thông cao hơn mức giới hạn trong 1 khoảng thời gian ngắn, giúp cải thiện trải nghiêm người dùng. Ở đây mình có 1 hình minh họa để giải thích rõ hơn về cơ chế này:
Router Mikrotik sẽ tự tính toán tốc độ trung bình của Queue (Average-rate), được thể hiện bằng đường màu xám này, khi mà nó chưa chạm ngưỡng Burst-Threshold thì tốc độ thực tế (Actual-rate) của chúng ta sẽ đạt được đến mức Burst-Limit và cao hơn mức giới hạn tối đa mà mình vừa cài đặt, còn khi nó chạm đến ngưỡng Burst-Threshold thì lập tức sẽ về xuống mức giới hạn tối đa cho phép.
Ở đây chúng ta cũng có 3 tham số tương ứng là:
- Burst-Limit dùng để thiết lập mức thưởng băng thông cao hơn giới hạn tối đa có thể đạt được.
- Burst-Threshold: dùng để thiết lập ngưỡng.
- Burst-Time: là 1 tham số toán học dùng để tính toán tốc độ trung bình của Queue. Lưu ý Burst-Time càng nhỏ thì thời gian thưởng băng thông càng ngắn.
Các thông số Burst này mình sẽ tạm để lại, chưa nhập vào và chưa lưu lại để mình sử dụng cho việc test ở phần sau. Với RouterOS v6 thì mặc định các tham số này sẽ là Unlimited, còn với RouterOS v7 thì mặc định đều là 0.
Và tiếp theo bên dưới là phần tùy chọn về thời gian để chúng ta lên kế hoạch sẽ giới hạn băng thông vào thời điểm nào nếu cần. Giả sử mình sẽ giới hạn cho 1 số thiết bị theo thời gian làm việc ở công ty là từ 8h sáng đến 17h30 chiều từ thứ 2 đến thứ 6 để tránh việc tắc nghẽn. Ngoài thời gian này thì các thiết bị có thể thoải mái sử dụng mức băng thông như bình thường.
Sau khi thiết lập xong thì các bạn nhấn Apply và OK để lưu lại.
Lưu ý: nếu dòng cấu hình này chuyển thành màu đỏ thì các bạn cần kiểm tra lại cài đặt thời gian của router, nếu thời gian chính xác thì dòng cấu hình sẽ chuyển thành màu đen như bình thường.
Ngoài ra trong trường hợp các bạn cần chỉ định giới hạn cho nhiều địa chỉ IP thì việc tạo cấu hình cho từng IP sẽ mất khá nhiều thời gian. Ví dụ mình cần giới hạn cho các IP từ 192.168.1.10-192.168.1.15, lúc này các bạn có thể tạo 1 script trong Terminal như sau:
[admin@MikroTik] > :for x from 10 to 15 do={/queue simple add name="Under_5M-for-IP$x" max-limit=2M/5M target="192.168.1.$x" time=8h-17h30m,mon,tue,wed,thu,fri} |
Kiểm tra
Và bây giờ trước tiên mình sẽ thử test tốc độ trên Laptop của mình khi chưa kích hoạt cấu hình ban nãy. Các bạn click vào dấu X đỏ ở đây để tạm thời disable cấu hình này đi.
Mình sẽ sử dụng công cụ speedtest của VNNIC để test tốc độ, trên mạng có rất nhiều trang web speedtest miễn phí, các bạn có thể lựa chọn để sử dụng.
Như các bạn có thể thấy, trong điều kiện bình thường mức băng thông mình sử dụng được cả upload và download đều khá cao. Download rơi vào khoảng 100 Mbps, còn Upload khoảng 103 Mbps
Bây giờ mình sẽ kích hoạt cấu hình giới hạn băng thông lên để xem tốc độ thực tế có giống với những gì mình đã cài đặt không nhé. Các bạn click vào dấu tick màu xanh để enable nó lên.
Như vậy là sau khi kích hoạt cấu hình, băng thông cho download của máy mình chỉ còn khoảng 5Mbps và Upload khoảng 2Mbps. Và như thế là mình đã cấu hình giới hạn băng thông thành công cho Laptop.
Tiếp theo mình sẽ thiết lập thêm các thông số Burst để test.
- Đầu tiên là Burst-Limit mình sẽ để là 10M cho upload và 15M cho download.
- Burst-Threshold mình sẽ để là 1M cho upload và 4M cho download.
- Burst-time mình đều để là 8s. Ok giờ mình sẽ thử test lại tốc độ.
Sau khi bắt đầu đo, tốc độ Download đã nhảy lên 13,6Mbps và tiệm cận mức Burst-Limit, do tốc độ trung bình (Average-rate) của Queue chưa chạm đến ngưỡng Burst-Threshold, sau một thời gian đo thì tốc độ này sẽ giảm dần và về xuống mức giới hạn Max-Limit cho Download. Điều này sẽ rất hữu ích khi mà các bạn cần sử dụng các ứng dụng yêu cầu nhiều băng thông trong 1 khoảng thời gian ngắn như mình đã trình bày ở phần trên.
Như vậy là mình đã hướng dẫn các bạn cấu hình giới hạn băng thông trên router Mikrotik sử dụng Simple Queue. Nếu các bạn có thắc mắc thì hãy để lại comment bên dưới để mọi người cùng trao đổi nhé. Đừng quên like, share và subscribe để ủng hộ mình nhé. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Bình luận bài viết!