Logo CNTTShop.vn

Hotline:

Hà Nội: NTT03, Line 1, Thống Nhất Complex, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội. ● HCM: Số 13, đường 7C, khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh. ===> Đơn Vị Hàng Đầu Trong Lĩnh Vực Cung Cấp Thiết Bị Security - Network - Wifi - CCTV - Conference - Máy chủ Server - Lưu trữ Storge.
Thiết bị mạng: 0862 158 859 Máy chủ Server: 0866 176 188 - 0968 498 887 Nvidia GPU-AI: 0906 051 599
Danh mục sản phẩm

Hiểu các thông số RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR và SINR để tối ưu chất lượng kết nối Wi-Fi

Wi-Fi là một công nghệ kết nối không dây quan trọng và phổ biến, giúp người dùng kết nối internet một cách dễ dàng và tiện lợi. Tuy nhiên, chất lượng kết nối Wi-Fi có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như khoảng cách, vật cản, tín hiệu nhiễu, và các yếu tố khác. Để cải thiện chất lượng kết nối, việc hiểu rõ các thông số kỹ thuật của các bộ phát Wifi là rất quan trọng.

Các thông số RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR​ và SINR trên các bộ phát Wi-Fi đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường, giám sát và tối ưu hóa chất lượng kết nối mạng không dây. Chúng giúp người quản lý mạng và người dùng hiểu rõ tình trạng tín hiệu, phát hiện vấn đề và thực hiện các điều chỉnh về vị trí lắp đặt, công suất phát, chia băng tần, loại bỏ nhiễu, ..vv phù hợp.

Tìm hiểu các thông số rssi, rsrp, rsip, rsrq, snr và sinr để tối ưu chất lượng Wifi tốt hơn

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các thông số RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR và SINR – những yếu tố quan trọng khi khảo sát, triển khai lắp đặt và cài đặt hệ thống WiFi giúp chất lượng kết nối Wi-Fi được tốt hơn.

Trước tiên sẽ là câu trả lời: RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR và SINR là gì?

RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR và SINR là những từ viết tắt của các thuật ngữ kỹ thuật truyền thông không dây, chúng được sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau của tín hiệu mạng trong các hệ thống mạng không dây như Wi-Fi và LTE, việc đo lường cường độ tín hiệu và chất lượng kết nối là rất quan trọng để đảm bảo hiệu suất và trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

  • RSSI: Received Signal Strength Indicator.
  • RSRP: Reference Signal Received Power.
  • RSRQ: Reference Signal Received Quality.
  • RSIP: Reference Signal Interference Power.
  • SINR: Signal to Interference plus Noise Ratio.
  • SNR: Signal to Noise Ratio.

Và sau đây hãy cùng CNTTShop đi vào chi tiết từng thông số cụ thể nhé!

1. RSSI - Thông số đo tổng cường độ tín hiệu nhận được (bao gồm cả nhiễu).

RSSI là một chỉ số đơn giản để đo lường cường độ tín hiệu mà thiết bị (ví dụ: điện thoại, laptop) nhận được từ nguồn phát (router wifi, access point), tính bằng đơn vị dBm. RSSI là một giá trị tương đối, chỉ đo tổng cường độ tín hiệu nhận được trên toàn bộ băng tần mà không phân biệt tín hiệu cần thiết * và tín hiệu nhiễu nền **.

* Tín hiệu cần thiết: Đây là tín hiệu chính mà thiết bị muốn nhận, ví dụ như dữ liệu truyền từ điểm truy cập Wi-Fi đã kết nối đến thiết bị của bạn. Đây là phần tín hiệu mang thông tin hữu ích cần kết nối.

** Tín hiệu nhiễu nền: Là các tín hiệu không mong muốn, bao gồm:

  • Nhiễu từ môi trường: Các tín hiệu vô tuyến tự nhiên trong không khí, ví dụ như nhiễu từ thiết bị điện tử, sóng từ mặt trời, hoặc từ môi trường xung quanh.
  • Nhiễu từ nguồn khác: Là các tín hiệu can nhiễu từ các thiết bị khác hoạt động trên cùng tần số hoặc gần đó, ví dụ như các điểm truy cập Wi-Fi lân cận hoặc các thiết bị không dây khác.

RSSI (Received Signal Strength Indicator) Thông số đo tổng cường độ tín hiệu nhận được (bao gồm cả nhiễu)

Giá trị RSSI thường được chia thành các mức từ 0 đến -100dBm. Giá trị RSSI càng cao (gần 0) thì tín hiệu càng mạnh. Thông thường, giá trị RSSI nằm trong khoảng từ -30 dBm (cường độ tín hiệu tuyệt vời) đến -100 dBm (cường độ tín hiệu kém). Phép đo này thường được sử dụng trong nhiều công nghệ không dây khác nhau, bao gồm Wi-Fi, Bluetooth và các mạng di động cũ hơn (mạng 2G,3G).

Ví dụ: Trong một văn phòng công ty có nhiều nhân viên sử dụng điện thoại hoặc laptop để kết nối Wifi, mỗi thiết bị của nhân viên sẽ có một mức cường độ tín hiệu RSSI khác nhau bao gồm (nguồn tín hiệu nhận được từ bộ phát Wifi bạn kết nối tới và từ các thiết bị lân cận khác).

RSSI bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Khoảng cách: Càng xa bộ phát, RSSI càng giảm.
  • Vật cản: Tường, cửa, đồ nội thất, hoặc kính làm suy giảm tín hiệu.
  • Nhiễu tín hiệu: Nhiều thiết bị dùng chung kênh hoặc băng tần có thể làm giảm RSSI.
  • Thiết bị phát và nhận: Công suất của thiết bị phát hoặc khả năng thu tín hiệu của thiết bị cũng ảnh hưởng đến RSSI.
  • Tín hiệu truyền đa đường: Khi tín hiệu không đi theo một đường thẳng mà phản xạ hoặc khúc xạ qua nhiều bề mặt (như tường, trần nhà). Khi các tín hiệu này đến thiết bị nhận, chúng có thể giao thoa (tăng cường hoặc triệt tiêu lẫn nhau), gây ra hiện tượng fading (giảm cường độ tín hiệu) và giảm giá trị RSSI.

Bảng thông số thể hiện sức mạnh của tín hiệu RSSI, bạn nên tham khảo:

Giá trị RSSI (dBm) Tín hiệu Khả năng kết nối thực tế
-30 đến -50 Rất mạnh Tín hiệu lý tưởng, tốc độ cao.
-51 đến -60 Mạnh Kết nối ổn định, phù hợp cho hầu hết nhu cầu.
-61 đến -70 Trung bình Đủ dùng, có thể gặp gián đoạn nhỏ.
-71 đến -80 Yếu Tốc độ chậm, dễ mất kết nối.
-81 trở xuống Rất yếu Kết nối không ổn định hoặc không kết nối được.

Như vậy chỉ số tín hiệu RSSI càng mạnh thì người dùng càng có tốc độ mạng càng cao và ổn định hơn có phải không? điều này có thể đúng khi thiết bị di động của bạn ít bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu nhiễu nền khác. Dù tín hiệu mạnh (RSSI cao), nhưng nếu có nhiều nhiễu hoặc độ ồn, kết nối vẫn có thể kém ổn định.

RSSI là một chỉ số tương đối để đo tín hiệu mạnh hay yếu, nó không đánh giá chất lượng tín hiệu và RSSI chỉ cho biết cường độ tín hiệu mạnh hay yếu tại một thời điểm cụ thể, nó không đánh giá được khả năng tín hiệu đó có duy trì ổn định trong thời gian dài hay không.

Hiểu rõ về RSSI một phần sẽ giúp bạn: Xác định vùng tín hiệu yếu và khắc phục, Tối ưu hóa vị trí đặt thiết bị để cải thiện hiệu suất mạng, Loại bỏ nhiễu nền giúp trải nghiệm sử dụng Wi-Fi tốt hơn trong các môi trường sử dụng,..vv. Để biết được toàn diện chất lượng kết nối, cần kết hợp với các chỉ số khác như SNR, SINR, hoặc RSRQ. Các bạn cùng xem thêm chi tiết các chỉ số khác dưới đây nhé.

2. RSRP - Thông số đo công suất tín hiệu tham chiếu nhận được (không bao gồm nhiễu)

RSRP là một chỉ số đo lường cường độ tín hiệu được tham chiếu*** mà thiết bị di động của người dùng nhận được từ trạm phát sóng mà nó kết nối tới. Trong khi RSSI đo tổng công suất của tất cả tín hiệu nhận được, bao gồm cả nhiễu và tín hiệu không liên quan thì RSRP phản ánh chính xác mức tín hiệu mà thiết bị nhận được, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu hoặc tín hiệu ngoài ý muốn.

*** Tín hiệu tham chiếu là tín hiệu từ thiết bị phát sóng gửi tới thiết bị của người dùng.

RSRP (Reference Signal Received Power) Thông số đo công suất tín hiệu tham chiếu nhận được

RSRP được đo bằng đơn vị dBm, thông thường nó có phạm vi từ -45 dBm (tín hiệu tốt) đến -140 dBm (tín hiệu kém). Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá và duy trì chất lượng mạng di động, vai trò quan trọng của RSRP cụ thể như sau:

  • Tối ưu hóa mạng: RSRP là một công cụ nền tảng giúp các nhà cung cấp dịch vụ mạng đánh giá chất lượng và vùng phủ sóng của mạng di động. Bằng cách theo dõi các giá trị RSRP tại các địa điểm khác nhau, họ có thể xác định các khu vực có tín hiệu yếu và tối ưu hóa hạ tầng mạng để cải thiện vùng phủ sóng.
  • Chuyển vùng kết nối: Trong mạng di động, thiết bị của bạn có thể chuyển đổi giữa các điểm phát sóng khi bạn di chuyển. RSRP hỗ trợ thiết bị và mạng đưa ra quyết định chính xác về thời điểm và cách thức chuyển giao kết nối sang điểm phát sóng khác. Điều này đảm bảo trải nghiệm kết nối mượt mà cho người dùng khi họ di chuyển.
  • Chất lượng tín hiệu: Giá trị RSRP cao cho thấy kết nối mạnh mẽ, thường đồng nghĩa với tốc độ dữ liệu nhanh hơn, chất lượng cuộc gọi tốt hơn và kết nối ổn định hơn cho các tác vụ như xem video trực tuyến, duyệt web và chơi game trực tuyến.
  • Chỉ báo cường độ tín hiệu: Trên nhiều thiết bị di động, bạn có thể kiểm tra cường độ tín hiệu qua biểu tượng vạch sóng hoặc chấm trên màn hình. Các chỉ báo trực quan này thường sử dụng RSRP để cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về chất lượng tín hiệu.

Các yếu tố ảnh hưởng đến điểm chất lượng tín hiệu RSRP bao gồm một số yếu tố sau:

  • Vị trí: Càng gần điểm phát sóng, RSRP càng mạnh. Ngược lại, khi bạn di chuyển ra xa điểm phát, RSRP sẽ yếu đi.
  • Vật cản: Các vật cản vật lý như tòa nhà, cây cối và đồi núi có thể chặn hoặc phân tán tín hiệu, dẫn đến giá trị RSRP thấp hơn ở một số vị trí nhất định.
  • Nhiễu: Nhiễu từ các thiết bị điện tử khác, tòa nhà hoặc các điểm phát khác.
  • Địa hình và Địa lý: Chỉ số RSRP có thể thay đổi tùy theo địa hình đồi núi, trong đó các thung lũng có khả năng có tín hiệu yếu hơn so với đỉnh đồi.

Làm sao để cải thiện RSRP tốt hơn?

Nếu bạn đang gặp phải vấn đề chỉ số RSRP kém, có một số cách bạn có thể thực hiện để cải thiện tín hiệu như sau:

  • Di chuyển tới gần điểm phát sóng: Bất cứ khi nào có thể, việc di chuyển gần điểm phát sóng hơn có thể giúp tăng đáng kể chỉ số RSRP trên thiết bị kết nối của bạn.
  • Hạn chế vật cản: Giảm các vật cản vật lý, chẳng hạn như di chuyển đến cửa sổ hoặc khu vực mở không bị che khuất, có thể giúp cải thiện cường độ tín hiệu.
  • Khuếch đại tín hiệu: Sử dụng bộ khuếch đại tín hiệu và tăng cường RSRP, đặc biệt là ở những khu vực có vùng phủ sóng yếu.

3. RSIP - Thông số đo công suất nhiễu tín hiệu

RSIP là một thông số được dùng để đánh giá sự ảnh hưởng của nhiễu đối với tín hiệu trong mạng di động, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất mạng. RSIP giúp đo lường mức công suất của tín hiệu gây nhiễu, chủ yếu đến từ các điểm phát sóng khác sử dụng cùng tần số hoặc tín hiệu phản xạ trong môi trường. Nếu RSIP cao (nhiễu lớn), tín hiệu chính sẽ bị giảm chất lượng, dẫn đến tốc độ truyền tải thấp hơn và kết nối không ổn định.

Giá trị RSIP được đo bằng đơn vị dBm, nó có phạm vi từ -140 dBm (tín hiệu kém) đến -44 dBm (tín hiệu tốt). Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá trị RSIP, dẫn đến mức độ nhiễu khác nhau ở các vị trí khác nhau:

  • Khoảng cách giữa các điểm phát sóng lân cận: RSIP thường cao hơn ở các khu vực mà tín hiệu từ nhiều trạm phát sóng (cell towers) chồng chéo nhau. Xảy ra khi có sự chồng lấn tín hiệu từ các nguồn khác nhau hoặc môi trường gây nhiễu nhiều hơn.
  • RSIP bị ảnh hưởng bởi môi trường: Các vật cản vật lý như tòa nhà, cây cối, và thậm chí điều kiện thời tiết như mưa có thể làm tín hiệu bị tán xạ, góp phần làm tăng giá trị RSIP.
  • Khu vực đông người dùng: Khi có quá nhiều thiết bị sử dụng cùng một tần số, nhiễu sóng tăng lên vì các tín hiệu phải "tranh giành" không gian tần số.

Cách cải thiện RSIP để có chất lượng tín hiệu sóng Wi-Fi tốt hơn:

  • Trước khi lắp đặt hệ thống: Cần khảo sát khu vực lắp đặt và lập kế hoạch chi tiết để xác định các vật cản, vị trí lắp đặt các điểm phát wifi, xác định số lượng người dùng, ..vv để đảm bảo hiệu suất và giảm thiểu nhiễu.
  • Kiểm tra và điều chỉnh sau lắp đặt: Sau khi lắp đặt và đo các thông số cụ thể bạn có thể điều chỉnh vị trí trạm phát sóng, điều chỉnh công suất phát tín hiệu, băng tần và kênh phát hoặc sử dụng các kỹ thuật chống nhiễu để giảm tác động của tín hiệu không mong muốn.

Giá trị RSIP thấp hơn đồng nghĩa với ít nhiễu hơn, giúp cải thiện chất lượng tín hiệu và đảm bảo tốc độ truyền dữ liệu tốt hơn.

4. RSRQ - Thông số đo chất lượng tín hiệu tham chiếu nhận được

RSRQ là một tham số quan trọng trong các hệ thống thông tin không dây, nó dùng để đo lường chất lượng của tín hiệu tham chiếu được nhận từ trạm phát sóng chính mà thiết bị đang kết nối. Chỉ số này không chỉ đánh giá cường độ tín hiệu tương tự như RSRP, mà còn nâng cao hơn bằng cách xem xét mức độ nhiễu và can nhiễu trong tín hiệu nhận được.

RSRQ (Reference Signal Received Quality) Thông số đo chất lượng tín hiệu tham chiếu nhận được

RSRQ được đo bằng đơn vị dB, các giá trị hoạt động thông thường của RSRQ nằm trong khoảng từ -3 dB (ít hoặc không có nhiễu) đến -18 dB (tải cao/nhiễu cao). RSRQ không chỉ cho biết tín hiệu mạnh hay yếu mà còn cung cấp thông tin về chất lượng thực tế của tín hiệu, bao gồm cả sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường như nhiễu và chồng chéo tín hiệu.

Trong quá trình triển khai và giám sát các hệ thống Wi-Fi trong thực tế chúng tôi nhận thấy, RSRQ có xu hướng giảm nhanh (dẫn đến mạng chậm hoặc không thể kết nối) khi ở gần rìa vùng phủ sóng của thiết bị phát Wifi hoặc khi số lượng người dùng trên AP đó tăng lên. Điều này khiến việc thiết kế để đạt được mức RSRQ phù hợp trở nên khó khăn.

  • Thông thường, RSRQ giảm xuống mức -11 dB có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiễu từ trạm phát chính hoặc nhiễu giữa các trạm phát lận cận, nhưng không thể xác định rõ nguyên nhân nào là chính.
  • Khi RSRQ dưới -11 dB, nhiễu giữa các vùng phủ sóng giao nhau của các điểm phát sóng, nhiễu từ bên ngoài, hoặc nhiễu nhiệt trở thành các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín hiệu.

RSRQ đóng vai trò như một chỉ số quan trọng để đánh giá độ tin cậy và hiệu quả của các kết nối không dây, dựa vào chỉ số này sẽ giúp bạn tối ưu hóa hiệu suất mạng tốt hơn và đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt hơn.

  • Đánh giá chất lượng tín hiệu: RSRQ cung cấp một cái nhìn toàn diện về chất lượng tín hiệu, bao gồm cả cường độ tín hiệu (RSRP) và mức độ nhiễu từ các điểm phát sóng lân cận. Giá trị RSRQ cao hơn thể hiện tín hiệu mạnh hơn và ít nhiễu hơn, dẫn đến chất lượng kết nối tốt hơn, tốc độ truyền dữ liệu cao hơn và kết nối ổn định hơn.
  • Tối ưu hóa mạng: Dữ liệu RSRQ rất quý giá đối với các đơn vị và cá nhân triển khai và quản lý vận hành mạng Wi-Fi để tối ưu hóa mạng di động của họ. Bằng cách giám sát giá trị RSRQ tại các vị trí khác nhau, họ có thể xác định các khu vực bị nhiễu lớn, xử lý các vấn đề và cải thiện hiệu suất mạng.
  • Lựa chọn thiết bị phát sóng để kết nối: RSRQ hỗ trợ các thiết bị di động lựa chọn trạm phát sóng tốt nhất để kết nối. Thiết bị có thể chọn các trạm có giá trị RSRQ cao hơn để đảm bảo kết nối mạnh mẽ và ổn định hơn.
  • Chuyển vùng kết nối: Trong mạng di động, khi các thiết bị liên tục chuyển đổi giữa các điểm phát sóng khi người dùng di chuyển. RSRQ giúp xác định thời điểm và cách thức chuyển giao kết nối sang trạm phát khác, đảm bảo tính di động liền mạch và không bị gián đoạn dịch vụ.

5. SINR - Tỷ lệ tín hiệu trên nhiễu + nhiễu

SINR là một chỉ số dùng để đo lường chất lượng của tín hiệu nhận được trong môi trường truyền dẫn không dây, xét đến cả tín hiệu chính (Signal), tín hiệu can thiệp từ các nguồn khác (Interference), và tín hiệu nhiễu nền (Noise). Chỉ số này cho biết biết chất lượng kênh sóng vô tuyến (RF), ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truyền tải dữ liệu và sự ổn định của kết nối không dây.

SINR: Signal to Interference plus Noise Ratio, Tỷ lệ tín hiệu trên nhiễu cộng với nhiễu

Các yếu tố chính đánh giá chất lượng tín hiệu không dây (SINR) bao gồm:

  • Công suất tín hiệu chính (S): Là công suất của tín hiệu mong muốn, tức là mức độ mạnh của tín hiệu mà hệ thống muốn truyền đạt.
  • Công suất tín hiệu từ nguồn khác (I): Là công suất của tín hiệu can thiệp, tức là sự hiện diện của các tín hiệu không mong muốn hoặc nhiễu có thể làm méo tín hiệu mong muốn. Sự can thiệp này có thể đến từ các thiết bị khác, các thiết bị phát sóng gần đó, hoặc các nguồn khác không thuộc trong kết nối dự kiến.
  • Công suất Nhiễu (N): Là công suất của nhiễu nền, tức là nhiễu tự nhiên tồn tại trong tất cả các hệ thống truyền thông không dây. Nhiễu này có thể đến từ các nguồn như nhiệt hoặc các yếu tố môi trường khác.

Chỉ số SINR được đo bởi tỷ lệ giữa công suất tín hiệu nhận được (Signal) và tổng công suất của tín hiệu can thiệp (Interference) công với nhiễu nền (Noise).

Công thức tính: SINR P (Signal) / ​[P (Interference​) P (Noise​)].

Tỷ lệ này, giúp đánh giá chất lượng tín hiệu nhận được trong môi trường truyền thông không dây. SINR cao cho thấy tín hiệu rõ ràng và ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu hoặc sự ảnh hưởng khác, từ đó giúp đảm bảo tốc độ truyền tải cao và kết nối ổn định.

SINR được biểu thị bằng đơn vị decibel (dB) và là một phép đo theo logarithm, cung cấp cái nhìn rõ ràng về chất lượng tín hiệu. Các giá trị SINR cao hơn chỉ ra tín hiệu mạnh mẽ hơn, ít nhiễu và ít bị can thiệp, dẫn đến chất lượng tín hiệu tốt hơn.

Vậy tại sao SINR là một yếu tố quan trọng trong truyền thông không dây:

  • Đánh giá chất lượng tín hiệu: SINR là chỉ số tổng hợp giúp đánh giá chất lượng của mạng không dây. Nó xem xét cả độ mạnh của tín hiệu mong muốn và tác động của nhiễu và tín hiệu can thiệp. Giá trị SINR cao tương ứng với kết nối chất lượng tốt hơn, đồng nghĩa với kết nối rõ ràng hơn, tốc độ dữ liệu nhanh hơn và trải nghiệm internet ổn định hơn.
  • Tối ưu hóa mạng: Đối với các nhà cung cấp mạng, dữ liệu SINR vô cùng quý giá để tối ưu hiệu suất mạng. Bằng cách theo dõi giá trị SINR ở các khu vực khác nhau, người quản trị và giám sát có thể xác định những khu vực có chất lượng tín hiệu kém, quản lý nhiễu và cải thiện vùng phủ sóng mạng.
  • Lựa chọn kết nối tới thiết bị phát sóng và chuyển vùng: Trong các mạng di động, SINR giúp các thiết bị di động lựa chọn trạm phát sóng tốt nhất để kết nối. Các thiết bị ưu tiên những trạm có giá trị SINR cao để đảm bảo kết nối ổn định hơn. Ngoài ra, SINR cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao mượt mà giữa các trạm khi thiết bị di chuyển, đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số SINR:

  • Công suất tín hiệu (S): Công suất tín hiệu mạnh (S) góp phần làm tăng giá trị SINR và cải thiện chất lượng tín hiệu.
  • Can thiệp (I): Sự có mặt của tín hiệu can thiệp mạnh từ các thiết bị khác, trạm phát sóng di động, các bộ phát Wi-Fi khác, hoặc các tín hiệu gần đó có thể giảm SINR và làm giảm chất lượng tín hiệu.
  • Nhiễu (N): Mức độ nhiễu nền cao (N) có thể làm giảm giá trị SINR và làm xấu chất lượng tín hiệu.
  • Khoảng cách tới nguồn tín hiệu: Khoảng cách đến nguồn tín hiệu (ví dụ, trạm phát sóng di động hoặc bộ phát Wi-Fi) đóng vai trò quan trọng trong SINR. Khi bạn di chuyển xa khỏi nguồn tín hiệu, công suất tín hiệu giảm, dẫn đến giá trị SINR thấp hơn.

Để tối ưu chỉ số SINR tốt hơn và cải thiện chất lượng tín hiệu Wi-Fi, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Tăng cường công suất tín hiệu: Tăng cường công suất tín hiệu giúp cải thiện chỉ số SINR bằng cách làm cho tín hiệu mạnh hơn, dễ phân biệt với nhiễu và can thiệp. Để đạt được điều này, bạn có thể đặt thiết bị phát sóng gần thiết bị nhận và sử dụng các thiết bị phát sóng có công suất cao. Tuy nhiên, cần điều chỉnh công suất hợp lý để tránh gây nhiễu cho các thiết bị khác.
  • Điều chỉnh công suất phát sóng: Điều chỉnh công suất phát sóng giúp tối ưu hóa chất lượng tín hiệu và giảm tín hiệu can thiệp. Giảm công suất phát sóng có thể giảm nhiễu, trong khi tăng công suất có thể cải thiện phạm vi phủ sóng. Việc điều chỉnh công suất phát sóng phù hợp giúp cân bằng giữa hiệu suất kết nối và mức độ tín hiệu can thiệp trong mạng.
  • Giảm sự can thiệp: Giảm sự can thiệp là yếu tố quan trọng để tối ưu hóa chỉ số SINR và cải thiện chất lượng kết nối. Bạn có thể giảm can thiệp bằng cách lựa chọn kênh ít tắc nghẽn, giảm thiểu sự can thiệp từ các thiết bị khác như lò vi sóng, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, chuyển sang sử dụng các tần số khác như 5 GHz thay vì 2.4 GHz cũng giúp giảm can thiệp và cải thiện hiệu suất mạng.
  • Giảm nhiễu: Giảm nhiễu là một yếu tố quan trọng để nâng cao chỉ số SINR và chất lượng tín hiệu. Nhiễu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như thiết bị điện tử không mong muốn hoặc các tín hiệu không xác định. Để giảm nhiễu, bạn có thể sử dụng bộ lọc nhiễu để loại bỏ các tín hiệu không mong muốn, điều chỉnh các thiết bị gây nhiễu, hoặc cải thiện cách ly sóng cho các thiết bị. Việc giảm nhiễu giúp tín hiệu truyền tải rõ ràng hơn, tăng cường chất lượng kết nối mạng.
  • Thay đổi vị trí của thiết bị phát và hướng anten: Cải thiện vị trí của thiết bị và anten là một cách hiệu quả để tối ưu hóa chỉ số SINR. Đặt thiết bị phát sóng ở vị trí cao, thông thoáng và tránh các khu vực kín hoặc bị che khuất giúp tín hiệu không bị suy giảm. Sử dụng anten ngoài cũng có thể nâng cao khả năng tiếp nhận tín hiệu, đặc biệt trong các khu vực có tín hiệu yếu. Bằng cách điều chỉnh vị trí và hướng anten, bạn có thể tối ưu hóa phạm vi và chất lượng tín hiệu, giảm thiểu sự can thiệp và nhiễu từ môi trường xung quanh.
  • Quản lý tần số: Quản lý tần số là yếu tố quan trọng giúp cải thiện chỉ số SINR và chất lượng kết nối mạng. Việc lựa chọn tần số phù hợp, tránh các tần số bị tắc nghẽn hoặc bị can thiệp bởi các thiết bị khác, giúp tối ưu hóa hiệu suất truyền tải tín hiệu. Sử dụng các tần số cao như 5 GHz thay vì 2.4 GHz có thể giảm nhiễu và tăng băng thông, đồng thời giúp giảm sự can thiệp từ các mạng khác. Quản lý tần số hiệu quả giúp duy trì kết nối ổn định, nâng cao tốc độ truyền tải và giảm thiểu tình trạng mất kết nối.
  • Sử dụng các bộ phát Wi-Fi có các công nghệ cao: Sử dụng các bộ phát Wi-Fi có công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả của mạng không dây và cải thiện chỉ số SINR. Các bộ phát Wi-Fi mới thường trang bị công nghệ tiên tiến như MIMO (Multiple Input, Multiple Output), beamforming, và Wi-Fi 6/6E, giúp tăng cường khả năng truyền tín hiệu, giảm nhiễu và tối ưu hóa hiệu suất mạng. Những bộ phát này có thể xử lý nhiều thiết bị kết nối đồng thời, cung cấp băng thông cao và giảm thiểu độ trễ, mang lại kết nối mạng ổn định và nhanh chóng, đặc biệt trong môi trường có nhiều người dùng và thiết bị.

6. SNR - Tỷ lệ Tín hiệu trên Nhiễu

SNR là một chỉ số quan trọng trong các hệ thống truyền thông không dây như Wi-Fi, 4G, 5G, dùng để đo lường mức độ mạnh của tín hiệu so với mức độ nhiễu trong mạng. Các mạng không giây Wi-Fi cần có SNR cao để đảm bảo hiệu suất mạng tốt, với tín hiệu rõ ràng và ít bị ảnh hưởng bởi các loại tín hiệu khác. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng, người quản lý và giám sát mạng thường tối ưu hóa SNR để giảm thiểu sự can thiệp và nhiễu, nâng cao chất lượng kết nối cho người dùng.

SNR (Signal to Noise Ratio) Tỷ lệ Tín hiệu trên Nhiễu

SNR được đo bằng decibel (dB), Nếu SNR cao, có nghĩa là tín hiệu mạnh so với nhiễu nền, giúp cải thiện chất lượng truyền tải dữ liệu, làm cho các tín hiệu dễ dàng được giải mã và giảm khả năng mất gói tin. Điều này dẫn đến kết nối mạng ổn định và tốc độ truyền dữ liệu cao. Còn ngược lại, Nếu SNR thấp, tín hiệu bị nhiễu mạnh sẽ làm giảm khả năng truyền tải chính xác dữ liệu, gây ra tình trạng mất kết nối hoặc truyền tải chậm.

Công thức tính SNR: SNR (dB)= 10 x log10 x P (Signal) / P (Noise). Trong đó P (Signal) là công suất tín hiệu nhận được và P (Noise) là công suất của nhiễu (thường là nhiễu nền tự nhiên trong môi trường truyền dẫn).

Nếu tính SNR dựa trên mức cường độ tín hiệu (Signal Power) và mức nhiễu nền (Noise Power) được đo bằng đơn vị dBm thì SNR (dB)= P (Signal) - P (Noise).

Ví dụ, nếu radio của thiết bị khách nhận được một tín hiệu ở mức -45 dBm, và mức nhiễu nền là -90 dBm, thì SNR = -45 dBm - (-90 dBm) = 45 dB. Điều này sẽ phản ánh mức độ tín hiệu là 45 dB cho kết nối không dây này. Điều này cho thấy tín hiệu mạnh hơn nhiễu nền 45 dB, là một giá trị khá tốt cho chất lượng kết nối không dây.

Tham khảo các mức SNR sau để tối ưu hóa chất lượng mạng Wi-Fi:

SNR (dB) Chất lượng tín hiệu
Dưới 20 dB chất lượng kém, kết nối không ổn định, tốc độ thấp. Chỉ phù hợp cho các tác vụ đơn giản như duyệt web cơ bản hoặc gửi email.
Từ 20 dB đến 30 dB chất lượng trung bình, có thể xảy ra gián đoạn trong môi trường nhiều nhiễu hoặc khi nhiều thiết bị cùng kết nối. Đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như xem video SD hoặc hội thoại trực tuyến.
Từ 30 dB đến 40 dB chất lượng tốt, đảm bảo kết nối ổn định và tốc độ khá cao. Đáp cho xem video HD, chơi game trực tuyến hoặc họp video mà không gặp gián đoạn.
Từ 40 dB đến 50 dB chất lượng rất tốt, kết nối nhanh, ít nhiễu, độ trễ thấp. Đáp ứng các tác vụ đòi hỏi băng thông lớn như xem video 4K, tải tệp lớn hoặc sử dụng trong môi trường doanh nghiệp mật độ cao.
Từ 50 dB trở lên chất lượng xuất sắc, tín hiệu mạnh, cực kỳ ổn định, hiệu suất tối đa. Lý tưởng cho các hệ thống mạng chuyên dụng tốc độ cao cần độ trễ thấp, như Livestream, video 4K, hội nghĩ trực tuyến,..vv.

Mức SNR tối ưu thường nằm trong khoảng 30 dB - 50 dB tùy theo yêu cầu ứng dụng. Đối với các kết nối Wi-Fi thông thường, SNR từ 25 dB trở lên được coi là phù hợp.

Làm thế nào để cải thiện SNR tốt hơn?

Trong môi trường mạng không dây, chỉ số SNR đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng kết nối. Một SNR cao không chỉ giúp tăng tốc độ truyền dữ liệu mà còn cải thiện độ ổn định và giảm thiểu khả năng rớt mạng trong quá trình kết nối. Tuy nhiên, SNR có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nhiễu từ môi trường, khoảng cách đến thiết bị phát sóng, và công suất tín hiệu. Để tối ưu hóa chỉ số SNR, cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật hiệu quả, từ quản lý tần số, giảm nhiễu, đến nâng cấp thiết bị phát sóng. Hãy cùng tìm hiểu những giải pháp sau để cải thiện SNR và nâng cao hiệu suất mạng không dây Wi-Fi của bạn nhé.

  • Điều chỉnh công suất của các AP: Thiết lập công suất phát sóng của các AP sao cho mỗi AP bao phủ một khu vực riêng biệt, tránh chồng lấn tín hiệu. Điều này giúp giảm nhiễu giữa các AP ở các khu vực lân cận và đảm bảo kết nối ổn định cho người dùng.
  • Vị trí lắp đặt Wifi: Đặt AP ở vị trí gần các thiết bị như điện thoại, laptop, để tín hiệu không phải truyền qua nhiều vật cản (như tường). Việc này giúp tăng cường cường độ tín hiệu nhận được.
  • Tránh các kênh xung đột có tín hiệu mạnh và mức sử dụng cao: Chọn kênh Wi-Fi ít bị nhiễu từ các mạng khác hoặc thiết bị lân cận để giảm thiểu can thiệp tín hiệu. Điều này giúp cải thiện hiệu quả sử dụng băng thông và tăng SNR.
  • Giảm nhiễu (Noise): Loại bỏ các nguồn gây nhiễu như thiết bị điện tử hoặc vật cản trong môi trường. Sử dụng băng tần 5 GHz cũng là cách giảm nhiễu hiệu quả.
  • Nâng cấp thiết bị phát Wi-Fi: Sử dụng các bộ phát Wi-Fi hiện đại chịu tải cao hơn, với công nghệ tiên tiến như Wi-Fi 5/6 hoặc Wi-Fi 7, hỗ trợ MU-MIMO, OFDMA để tăng cường hiệu quả kết nối và tối ưu SNR.

Phần kết luận

Trên đây là chi tiết các thông số ảnh hưởng đến hiệu suất và độ ổn định của kết nối không dây Wi-Fi, chúng không chỉ giúp đánh giá chất lượng tín hiệu và mạng không dây, mà còn là cơ sở quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất mạng, giảm thiểu nhiễu và đảm bảo kết nối ổn định trong môi trường Wi-Fi. Hiểu rõ và sử dụng đúng các chỉ số này giúp các nhà quản trị mạng có thể thực hiện các điều chỉnh cần thiết để cải thiện trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa băng thông mạng không dây.

Chỉ số Mục đích Đơn vị đo Ý nghĩa chính
RSSI Đo tín hiệu tổng nhận được, gồm cả nhiễu. dBm Đánh giá mức tín hiệu tổng, không tách biệt nhiễu và tín hiệu chính.
RSRP Đo công suất tín hiệu tham chiếu. dBm Đánh giá mức tín hiệu chính, loại bỏ nhiễu và các thành phần khác.
RSRQ Đo chất lượng tín hiệu nhận được. dB Phản ánh mức tín hiệu có thể sử dụng so với mức nhiễu.
RSIP Đo công suất tín hiệu tham chiếu trong điều kiện tốt nhất. dBm Đánh giá công suất tín hiệu tham chiếu trong điều kiện không có nhiễu hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng.
SINR Đo tỷ lệ giữa tín hiệu và nhiễu. dB Đánh giá khả năng giải mã tín hiệu trong môi trường có nhiễu.
SNR Đo tỷ lệ giữa tín hiệu và nhiễu nền. dB Đánh giá mức độ rõ ràng của tín hiệu so với mức nhiễu nền trong kênh truyền.

CNTTShop đã có kinh nghiệp lâu năm trong việc cung cấp các thiết bị mạng LAN, Wi-Fi, cũng như cung cấp các giải pháp mạng hiện đại tới các doanh nghiệp và dự án trên cả nước. Chúng tôi hiểu rằng một giải pháp mạng Wi-Fi tốt không chỉ đảm bảo khả năng kết nối mà còn cần phải mang lại trải nghiệm mượt mà và ổn định cho người dùng. Chính vì vậy, việc hiểu rõ và tối ưu hóa các chỉ số đo lường như RSSI, RSRP, RSIP, RSRQ, SNR và SINR là vô cùng quan trọng để đảm bảo hiệu suất mạng tốt nhất.

CNTTShop cung cấp thiết bị Wi-Fi và giải pháp mạng wifi doanh nghiệp

Tuy nhiên các chỉ số này trên các loại Wifi như Wifi Cisco, Wifi Cambium, Wifi MAIPU,..vv và của nhiều thương hiệu khác sẽ có các công nghệ tính và tối ưu khác nhau, bạn sẽ phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể tối ưu hệ thống mạng Wifi tốt hơn được. Nếu bạn đọc cần được hỗ trợ hoặc tư vấn giải pháp mạng Wi-Fi, hãy liên hệ ngay tới chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

Công Ty TNHH Công Nghệ Việt Thái Dương (CNTTShop)

Đ/C tại Hà Nội: NTT03, Line1, Thống Nhất Complex, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội.

Đ/C tại HCM: Số 13, đường 7C, khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh

Điện Thoại: 0906 051 599

Website: www.cnttshop.vn

Lê Văn Tuấn

Là chuyên gia trong lĩnh vực Network System, Security, Server.. Có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn giải pháp mạng, triển khai các giải pháp CNTT và phân phối thiết bị mạng Switch, Wifi, Router, Máy chủ Server, Lưu trữ Storage, Tường lửa Firewall, Video Conferencing, Module quang, Load Balancing. Hiện tại tôi là Founder và Managing Director công ty TNHH Công Nghệ Việt Thái Dương (CNTTShop.vn).

Bình luận bài viết!

Có 0 bình luận:
Chuyên mục chính
Bài viết cùng danh mục