Logo CNTTShop.vn

Hotline: 0979 925 386

Công Ty TNHH Công Nghệ Việt Thái Dương
NTT03, Line 1, Thống Nhất Complex, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội.
Danh mục sản phẩm

Báo động 11 lỗi an ninh mạng phổ biến của doanh nghiệp SMB

Khi doanh nghiệp của bạn phát triển với quy mô lớn hơn đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng trong công ty cũng mở rộng, cần sử dụng nhiều loại thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, camera an ninh, máy chủ, USB, thiết bị lưu trữ và các thiết bị mạng khác. Đồng thời số lượng nhân viên và tệp khách hàng cũng tăng lên, họ sử dụng nhiều dịch vụ trực tuyến như: email, kết nối từ xa, lưu trữ, ..và nhiều dịch vụ CNTT khác nữa. Tất cả những điều này tạo ra một môi trường mạng phức tạp và nhiều lỗ hổng bảo mật, làm tăng nguy cơ bị tấn công mạng và lây nhiễm mã độc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang phải đối mặt với hàng tá các mối đe dọa an ninh mạng. Do hạn chế về nguồn lực và kiến thức cùng với tâm lý chủ quan, dẫn đến khó khăn trong việc nhận biết, đánh giá, và ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng mới nhất trên quy mô lớn. Tại Việt Nam đã ghi nhận trong quý I năm 2024 đã có hơn 2000 cuộc tấn công và sự cố mạng vào các hệ thống dữ liệu thông tin của các doanh nghiệp và tổ chức.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn như VNDirect, Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI), Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM), Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA), Công ty cổ phần Thực phẩm Homefood, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), ...là nạn nhân của các cuộc tấn công mã hóa dữ liệu Ransomware nhằm mục đích đòi tiền chuộc.

Một số hình thức tấn công mạng phổ biến các doanh nghiệp cần biết: Tấn công Ransomware, Phishing Email, Lừa đảo trực tuyến, Xâm phạm email DN, Tấn công chuỗi cung ứng, DDos, Tấn công mạng trên thiết bị di động và IoT ..vv

Số vụ tấn công mạng đang tăng lên nhanh chóng và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, mã độc và các công cụ khai thác lỗ hổng sẽ càng mạnh và tinh vi hơn, chúng có khả năng vượt qua các biện pháp an ninh mạng trước đây. Đây là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta phải nâng cao khả năng phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng. Việc bảo vệ dữ liệu của công ty là một nhiệm vụ cần thiết, không chỉ để bảo vệ doanh nghiệp mà còn để bảo vệ thông tin của khách hàng.

Dưới đây, chúng tôi đã liệt kê 11 lỗi bảo mật phổ biến nhất mà các doanh nghiệp SMB mắc phải và cách tốt nhất để giải quyết những lỗ hổng này.

1. Đặt mật khẩu yếu

Một người hay một công ty có thể phải nhớ và quản lý số lượng mật khẩu lớn của các tài khoản, chính vì vậy việc quản lý mật khẩu lỏng lẻo hay cách đặt mật khẩu yếu gắn gọn dễ nhớ dẫn đến việc dễ bị hack là một hậu quả nghiêm trọng. Sau đây là các lời khuyên giúp tăng cường an ninh mật khẩu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của bạn:

  • Giữ mật khẩu của bạn bí mật. Không chia sẻ với bất kỳ ai khác: Điều này đảm bảo rằng chỉ có bạn mới có quyền truy cập vào tài khoản của mình, giảm nguy cơ lộ thông tin cá nhân.
  • Sử dụng một mật khẩu khác nhau cho mỗi lần đăng nhập của các tài khoản: Nếu một trong số các tài khoản của bạn bị tấn công và mật khẩu của bạn bị tiết lộ, việc sử dụng mật khẩu riêng biệt cho mỗi tài khoản sẽ ngăn chặn hacker truy cập vào các tài khoản khác.
  • Độ dài của mật khẩu quan trọng hơn so với độ phức tạp: Mật khẩu càng dài càng khó bị hack, nhưng hãy tạo mật khẩu vừa dài vừa khó và kết hợp của các ký tự đặc biệt, chữ hoa, chữ thường và số.
  • Sử dụng xác thực đa yếu tố: Xác thực đa yếu tố tăng cường bảo mật bằng cách yêu cầu xác nhận từ nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như một mã OTP gửi qua điện thoại di động, sau khi bạn đã nhập mật khẩu.

Về việc lưu trữ và quản lý mật khẩu cũng là vấn đề quan trọng, chúng ta không thể viếc ra giấy rồi cấn vào ngăn tủ được. Hãy sử dụng các thiết bị hay ứng dụng được mã hóa và bảo mật để lưu trữ danh sách mật khẩu của bạn nhé.

2. Không cập nhật phần mềm

Tôi đã từng có một thời gian lười cập nhật các phiên bản mới nhất của hệ điều hành và các ứng dụng, vì mất chút thời gian và về vấn đề bản quyền. Nhưng các bạn hãy nhớ rằng, tất cả các hệ điều hành hay phần mềm ứng dụng đều do con người tạo ra và chúng không bao giờ là hoàn hảo. Chúng luôn có những lỗ hổng bảo mật chưa biết hoặc theo thời gian và đây là nơi để các tin tặc tìm cách để khai khác điểm yếu.

Hãy duy trì và tạo thới quen việc cập nhật lên các phiên bản mới nhất của phần mềm để ngăn chặn công ty của bạn trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.

3. Không Training và đạo tạo cho nhân viên kiến thức về an ninh mạng

Có một số cách tấn công giả mạo Phishing qua Email không cần tới những kỹ thuật phức tạp, mà do chúng ta thiếu kiến thức để nhận ra những email đó bao gồm các đường link tài nguyên độc hại. Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết phổ biến giúp nhân viên của bạn nhận diện các cuộc tấn công phishing:

  • Kiểm tra xem email có được gửi từ địa chỉ công cộng không: Các công ty có uy tín thường không sử dụng địa chỉ email như "gmail.com" để gửi email.
  • Xác minh việc viết đúng chính tả của địa chỉ email: Nhiều kẻ lừa đảo cố gắng lừa mắt bạn bằng cách sử dụng cách viết địa chỉ gian lận gần giống với tên của các công ty uy tín. Nếu bạn nhận được email từ "Cicso," hãy chắc chắn rằng đó không phải là từ hãng công nghệ chuyên sản xuất thiết bị mạng Cisco nhé.
  • Email được viết có chính xác không?: Một số lượng lớn các email lừa đảo có nguồn gốc từ nước ngoài. Hầu hết hacker nước ngoài thường sẽ không bận tâm đến ngôn ngữ của nước ta mà chúng sẽ sử dụng công cụ google dịch chẳng hạn để viết Email. Nếu một email được viết với những câu từ lạ hay nội dung lạ, đó là dấu hiệu của một email lừa đảo.
  • Chú ý đến các liên kết và tệp đính kèm không bình thường: Các liên kết hoặc tệp đính kèm không phù hợp có thể được thiết kế để lấy thông tin đăng nhập của bạn.
  • Email có nội dung khẩn cấp, nghiêm trọng, hay ép buộc: Nhiều email phishing cố gắng lợi dụng tính ngây thơ, ngô nghê của nhân viên để yêu cầu cung cấp các thông tin nhạy cảm để phục vụ mục đích xấu của họ.

4. Không có kế hoạch ứng phó và khắc phục sự cố an ninh mạng

Chúng ta đã nói rất nhiều về cách phòng chống một cuộc tấn công mạng, nhưng còn sau khi một cuộc tấn công mạng xảy ra thì sao? Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải có cách giải quyết các cuộc tấn công mạng nếu chúng xảy ra, không chỉ để giảm thiệt hại gây ra mà còn rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Các doanh nghiệp cần lên kế hoạch cho các tình huống tấn công mạng trước, trong và sau khi nó sẩy ra. Điều này giúp đảm bảo rằng tất cả mọi người đều biết cách ứng phó với một cuộc tấn công mạng và biết những bước cần thực hiện. Kế hoạch này sẽ xác định rõ ràng các hành động cụ thể mà từng cá nhân nên thực hiện như thế nào trong trường hợp xảy ra sự cố.

5. Chủ quan trong việc đánh giá thấp mối đe dọa

Một số doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp của họ quá nhỏ để thu hút tội phạm mạng. Họ tin rằng tin tặc chỉ nhắm vào các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ. Đây là một nhận định sai lầm và nguy hiểm.

Tội phạm mạng thường nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp SMB vì ​​chúng coi đây là con mồi dễ dàng. Họ cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít biện pháp bảo mật hơn và ít kiến ​​thức kỹ thuật hơn các tổ chức lớn hơn. Doanh nghiệp SMB cần nhận ra rằng họ không tránh khỏi các mối đe dọa mạng và hãy thực hiện các bước chủ động để tự bảo vệ mình.

6. Bỏ qua việc sử dụng xác thực đa yếu tố MFA

MFA có thể gây phiền toái khi bạn cần đăng nhập nhanh chóng: Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói trước đó, một cuộc tấn công mạng sẽ gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn cho doanh nghiệp của bạn so với vài phút để đăng nhập sử dụng các phương thức xác thực đa yếu tố.

MFA thêm một lớp bảo mật bổ sung cho dữ liệu của bạn và rất dễ cài đặt: Nó cung cấp một cách bảo vệ hiệu quả bằng cách yêu cầu người dùng xác nhận danh tính của bạn thông qua nhiều phương tiện, như mã OTP gửi qua điện thoại di động, sau khi bạn đã nhập mật khẩu.

Hầu hết các công cụ an ninh mạng trên thị trường đều có MFA: Vì vậy, không có lý do gì để không sử dụng nó. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc đa thiết bị ngày nay, khi nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu của công ty từ nơi làm việc, nhà riêng hoặc bất kỳ đâu họ có thể có mặt.

7. Bỏ qua bảo mật di động

Thiết bị di động ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho các hoạt động liên quan đến công việc. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ thường bỏ bê vấn đề bảo mật di động. Điều này có thể khiến họ gặp rủi ro như đánh cắp dữ liệu, nhiễm phần mềm độc hại hoặc truy cập trái phép. Các doanh nghiệp nhỏ nên triển khai giải pháp quản lý thiết bị di động (MDM). Chúng có thể thực thi các chính sách bảo mật trên các thiết bị thuộc sở hữu của công ty và nhân viên được sử dụng cho mục đích công việc.

8. Thiếu kế hoạch sao lưu dữ liệu

Mất dữ liệu có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho các doanh nghiệp. Nó có thể là kết quả của các cuộc tấn công mạng, lỗi phần cứng hoặc lỗi của con người. Các doanh nghiệp không nên cho rằng việc mất dữ liệu sẽ không bao giờ xảy ra với họ. Vậy nên có sẵn kế hoạch sao lưu và phục hồi dữ liệu. Và cũng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng của mình và kiểm tra an toàn của các bản sao lưu.

9. Không thường xuyên theo giõi và giám sát hệ thống mạng

Các doanh nghiệp nhỏ có thể không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để giám sát hệ thống mạng của họ nhằm phát hiện các hoạt động đáng ngờ. Điều này có thể dẫn đến việc phát hiện và phản hồi chậm trễ đối với các vi phạm an ninh. Các doanh nghiệp nhỏ nên cài đặt các công cụ giám sát mạng hoặc thuê ngoài dịch vụ giám sát mạng. Những điều này có thể giúp họ xác định và giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn một cách kịp thời.

10. Nghĩ rằng không cần một dịch vụ quản lý CNTT nào

Các mối đe dọa mạng đang liên tục phát triển. Các kỹ thuật tấn công mới xuất hiện thường xuyên. Các doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn trong việc theo kịp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp họ tin rằng họ “quá nhỏ” để trả tiền cho các dịch vụ CNTT được quản lý.

Các dịch vụ được quản lý có nhiều gói khác nhau, có nhiều gói dịch vụ phù hợp với gói ngân sách của các doanh nghiệp SMB. Nhà cung cấp dịch vụ được quản lý (MSP) có thể giữ cho doanh nghiệp của bạn an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Đồng thời giúp bạn tiết kiệm tiền bằng cách tối ưu hóa CNTT của mình.

11. Không sử dụng phần mềm diệt virus hay thiết bị tường lửa

Một số các doanh nghiệp nhỏ không đủ ngân sách để sử dụng phần mềm diệt virus hoặc thiết bị tường lửa nhưng chúng ta không thể không nhắc tới những lợi ích của nó trong an ninh mạng:

Bảo vệ chống lại phần mềm độc hại: Phần mềm diệt virus giúp phát hiện, chặn và loại bỏ các phần mềm độc hại như virus, trojan, ransomware và spyware khỏi hệ thống mạng. Điều này giúp bảo vệ dữ liệu và thông tin quan trọng của doanh nghiệp khỏi việc bị lây nhiễm hoặc mất mát.

Ngăn chặn truy cập trái phép: Thiết bị tường lửa firewall giúp kiểm soát và ngăn chặn các truy cập không mong muốn hoặc trái phép vào hệ thống mạng. Nó làm điều này bằng cách lọc và kiểm tra dữ liệu truy cập từ internet hoặc mạng nội bộ, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và bảo vệ thông tin quan trọng của doanh nghiệp.

Kết luận

Trong bối cảnh ngày nay, việc bảo vệ an ninh mạng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMBs). Trên đây CNTTShop đã đề cập đến 11 lỗi an ninh mạng phổ biến mà các SMBs thường gặp phải và cách giải quyết. Từ việc sử dụng mật khẩu yếu đến thiếu phần mềm diệt virus và tường lửa firewall, các doanh nghiệp phải nhận ra rằng việc bảo vệ hệ thống mạng không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo sự an toàn và ổn định của doanh nghiệp cũng như dữ liệu của khách hàng.

Bằng việc hiểu và nhận biết các lỗ hổng an ninh mạng, các SMBs có thể đưa ra những biện pháp phòng ngừa và tăng cường bảo mật để ngăn chặn các mối đe dọa mạng và bảo vệ tài sản của mình. Chỉ khi áp dụng các biện pháp bảo mật hiệu quả, các doanh nghiệp mới có thể tự tin trong việc hoạt động mạng và phát triển bền vững trong môi trường kỹ thuật số ngày nay.

Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật được những tin tức mới nhất về CNTT và bảo mật an ninh mạng nhé!

Lê Văn Tuấn

Là chuyên gia trong lĩnh vực Network System, Security, Server.. Có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn giải pháp mạng, triển khai các giải pháp CNTT và phân phối thiết bị mạng Switch, Wifi, Router, Máy chủ Server, Lưu trữ Storage, Tường lửa Firewall, Video Conferencing, Module quang, Load Balancing. Hiện tại tôi là Founder và Managing Director công ty TNHH Công Nghệ Việt Thái Dương (CNTTShop.vn).

Bình luận bài viết!

Có 0 bình luận:
Chuyên mục chính
Bài viết liên quan