Cisco Stackwise là gì? Lợi ích của Cisco Stackwise
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tính năng Cisco Stackwise, trường hợp sử dụng và lợi ích của tính năng này trên các thiết bị switch Cisco nhé.
Cisco Stackwise là gì?
Cisco Stackwise là 1 công nghệ của Cisco, được triển khai trên các thiết bị chuyển mạch của hãng, cho phép xếp chồng tối đa 8 switch trong 1 cấu trúc vòng thành 1 thiết bị logic duy nhất. Các switch trong cụm Stack lúc này sẽ hoạt động như 1 thiết bị duy nhất, nghĩa là tất cả sẽ sử dụng chung 1 cấu hình và trạng thái chuyển tiếp dữ liệu.
Ví dụ nếu chúng ta stack 2 switch lại với nhau, thì về mặt vật lý và đấu nối dây, các bạn nhìn thấy vẫn là 2 switch, nhưng với các thiết bị trong hệ thống mạng thì các thiết bị này chỉ nhìn thấy 1 thiết bị duy nhất, như mô hình bên phải. Nếu chúng ta stack 2 switch 24 cổng, thì trong hệ thống mạng lúc này sẽ là 1 switch 48 cổng.
Cisco Stack hiện nay thì có nhiều loại.
Trên các dòng switch SMB hiện nay như dòng C1300, thì đây là tính năng Hardware stack thông thường, chứ không gọi là Stackwise, và chúng ta sẽ sử dụng các cổng quang để stack. Để stack được thì các bạn sẽ mua module quang hoặc cáp DAC thông thường, là các module để kết nối các switch bằng đường quang thôi. Đối với loại stack này thì băng thông stack sẽ phụ thuộc vào số lượng link stack. Ví dụ 1 link 10G thì băng thông stack sẽ là 20G full duplex.
Các dòng switch Cisco C9200 và C9300 sẽ sử dụng công nghệ Stackwise. Stackwise sử dụng các module chuyên dụng chứ không phải stack thông qua module quang Ethernet. Đối với các dòng C9200, C9200L, C9300L thì các bạn sẽ cần mua thêm cả bộ Stack module, còn với C9300, C9300X thì các bạn chỉ cần mua cable stack nếu cần sử dụng, module stack đã được gắn sẵn trên switch. Băng thông giữa các dòng cũng khác nhau tùy vào công nghệ stack.
Các dòng C9400, 9500 và 9600 sẽ sử dụng công nghệ StackWise Virtual. Công nghệ này tương tự như StackWise, nhưng không sử dụng module chuyên dụng, mà sẽ sử dụng module quang Ethernet thông thường để stack. Các bạn có thể sử dụng module 10, 40 hoặc 100G… để stack. Băng thông stack cũng sẽ phụ thuộc vào cổng và số lượng link các bạn sử dụng.
Để stack thì các bạn chỉ cần 1 link, tuy nhiên thông thường thì chúng ta nên sử dụng tối thiểu 2 link stack, vì chúng ta cần dự phòng cả các link này để đảm bảo HA cho hệ thống.
Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là cấu hình nhiều switch vật lý thành 1 switch logic. Các công nghệ cao hơn thì tất nhiên chất lượng đạt được cũng sẽ tốt hơn vì băng thông sẽ cao hơn, và kết hợp dùng nhiều công nghệ hỗ trợ khác của từng dòng switch.
Lợi ích của Cisco Stackwise
Stack các switch vật lý sẽ làm thay đổi về thiết kế cũng như cấu trúc của hệ thống mạng. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là StackWise cho phép tạo ra cấu trúc mạng không có vòng lặp vì các switch hoạt động như một. Ngoài ra, công nghệ StackWise còn kết hợp với nhiều công nghệ cải tiến khác của Cisco như Stateful Switch Over (SSO), Non-Stop Forwarding (NSF) và Multi-chassis EtherChannel (MEC), giúp cho các thiết bị chuyển tiếp gói tin tốt hơn với băng thông cao, giảm độ trễ trong mạng.
- Những lợi ích chính có thể kể đến là StackWise sẽ giảm thiểu rủi ro liên qua đến cấu trúc vòng lặp. Ví dụ chúng ta có mô hình có 2 switch core để dự phòng, nhưng không stack, thì các bạn sẽ cần phải thiết kế cả Spanning Tree để tối ưu dữ liệu. Với Spanning tree thì việc cấu hình và thiết kế sẽ khá phức tạp, và 1 số link trong hệ thống sẽ bị block để loại bỏ vòng lặp nên chúng ta sẽ không tận dụng được các link này ngoài mục đích dự phòng. Việc chuyển đổi dự phòng của spanning tree cũng khá lâu, nên sẽ có downtime khi các link hay switch bị lỗi. Với Stack thì chúng ta sẽ có mô hình gồm 1 core duy nhất, nên mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Giảm downtime trong mạng vì chúng ta có dự phòng cả về phần cứng và các đường uplink.
- Băng thông hệ thống sẽ tăng khi kết hợp với các công nghệ etherchannel như LACP, càng nhiều link thì băng thông sẽ càng cao. Ví dụ các bạn sử dụng 2 link 1G để kết nối từ switch Access lên switch core chạy Stack, thì lúc này mô hình logic sẽ là 1 link, và băng thông sẽ bằng tổng 2 link vật lý là 2G. Chúng ta sẽ vừa có dự phòng về link, và cũng tăng gấp đôi băng thông cho cổng uplink.
- Nếu thiết bị là Layer 3, thì các bạn sẽ giảm các lỗi liên quan đến cấu hình, và loại bỏ các giao thức dự phòng gateway như HSRP, VRRP. Chúng ta chỉ cần duy nhất 1 IP cho switch Core, tương tự như khi sử dụng 1 switch.
- Việc quản trị và cấu hình cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều, vì sau khi stack các bạn chỉ cần truy cập 1 CLI duy nhất để cấu hình tất cả các switch trong cụm stack.
Kết luận
Cisco Stackwise là 1 công nghệ hữu ích, cung cấp tính dự phòng cao và băng thông lớn cho hệ thống mạng. Với việc sử dụng các module stack chuyên dụng, kết hợp cùng nhiều công nghệ tiên tiến để hỗ trợ, Cisco StackWise là lựa chọn tối ưu cho lớp Core, cả về chi phí đầu tư và vận hành. Về phần cấu hình stack thì mỗi nền tảng switch sẽ có cách cấu hình khác nhau, bên mình cũng đã có bài viết và video hướng dẫn cho từng series. Các bạn đang sử dụng dòng nào thì có thể tham khảo hướng dẫn:
Hướng dẫn cấu hình Stack trên switch Cisco Catalyst 1300 Series
Hướng dẫn cấu hình Stack (Single IP Management) Cisco 1000 Series
Hướng dẫn cấu hình Stack Switch Cisco CBS350 Series
Hướng dẫn Cấu hình và quản lý Stack Switch Cisco
Nếu các bạn có thắc mắc hay góp ý nào thì hãy để lại comment để mọi người cùng trao đổi nhé.
Chúc các bạn thành công!
Bình luận bài viết!